Chuyện về người tìm ra cây giảo cổ lam ở Việt Nam

Chúng tôi đã nhiều lần gọi điện hẹn gặp Giáo sư – tiến sỹ (GS-TS) Phạm Thanh Kỳ nhưng ông cũng đều bảo rất bận, hết chấm hội đồng đến nghiệm thu đề tài, nên phải sau nhiều lần xin lịch hẹn, tôi mới gặp được ông.

Học trò của ông – PGS-TS Trần Văn Ơn, Đại học Dược Hà Nội – nói về sự bận bịu của thầy: “Về hưu đã nhiều năm nhưng thầy vẫn lao động không mệt mỏi. Tôi nghĩ một người đã nghỉ hưu mà xã hội vẫn cần đến thì chứng tỏ người đó có giá trị rất lớn”.

Ở tuổi 79, GS Kỳ vẫn rất nhanh nhẹn, nước da hồng hào, mịn căng. Ông hóm hỉnh tiết lộ bí quyết: “Có lẽ do nghiên cứu, tiếp xúc với dược liệu nhiều nên nó ngấm vào người”. Chỉ vào túi chè giảo cổ lam, ông nói: “Chắc là do cái này, tôi dùng hằng ngày hơn 10 năm nay. Nó có tác dụng chống lão hóa rất tốt”.

Rồi ông kể về lần đầu tiên biết đến cây này: “Năm 1996, khi đi công tác Trung Quốc, tôi được giới thiệu một cây thuốc có tác dụng tăng sức khỏe, làm đẹp và kéo dài tuổi thọ. Thấy hay, tôi mua về, nghĩ biết đâu ở Việt Nam mình cũng có”.

Sau có dịp gặp ông Nguyễn Văn Nhân – Phó Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cao Bằng, GS Kỳ nhờ tìm xem vùng Cao Bằng, Lạng Sơn có cây thuốc giống như thế hay không. “Ít ngày sau, ông Nhân báo đồng bào dân tộc ở địa phương thường thu hái cây dền toong bán sang Trung Quốc. Tôi đề nghị bất kỳ cây gì bán sang Trung Quốc cũng đều lấy mẫu gửi cho tôi xem. Nhìn mẫu khô, tôi thấy giống cây cần tìm” – ông vui vẻ kể.

  • Dù rất bận với công tác quản lý, giảng dạy nhưng năm sau, ông vẫn quyết thực hiện chuyến đi dài ngày lên Cao Bằng và vùng rừng nguyên sinh Phanxipăng, Lào Cai. Tại đây, ông và cộng sự tìm thấy giảo cổ lam ở độ cao khoảng 2.000m. “Chúng tôi phải theo dõi đến khi cây ra hoa, có quả để đủ dữ liệu đối chiếu với tài liệu của Trung Quốc, xác định đúng tên khoa học mới khẳng định được đó là giảo cổ lam. Thời gian xác minh mất cả năm trời”- GS Kỳ nói.
  • Được hỏi ông lấy đâu thời gian nghiên cứu, đi thực tế khi công việc hiệu trưởng bận như vậy, ông cười: “Tôi luôn nhớ rằng nghề của tôi là giảng dạy và nghiên cứu khoa học”. Cũng bởi vậy mà ông từng đắn đo khi được đề bạt làm hiệu trưởng. “Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế gọi tôi lên thông báo. Tôi nói, tôi là người nghiên cứu nên với việc bổ nhiệm, xin phép được suy nghĩ. Sau một tuần, tôi mới trả lời đồng ý”.

Dù làm hiệu trưởng, ông vẫn đều đặn lên lớp giảng bài, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận văn, luận án cả trên giảng đường, phòng thí nghiệm và thực địa.

“Tôi dạy môn dược liệu, liên quan đến cây cỏ nên cần phải đi các địa phương, đặc biệt là vùng rừng núi để khảo sát. Nhiều thông tin quý có được từ những chuyến đi đó. Đồng bào các dân tộc có rất nhiều bài thuốc hay, nhưng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm. Để tiếp thu những bài thuốc đó, nhà khoa học như chúng tôi phải biết chọn lọc và có hướng nghiên cứu cụ thể”.

Luôn tâm niệm làm khoa học không thể “ăn xổi” nên để đưa ra công bố về cây giảo cổ lam, GS Kỳ đã mất 10 năm kể từ khi phát hiện ra nó.

  • Đầu tiên, ông nghiên cứu xem cây này sống được ở vùng sinh thái nào và phát hiện giảo cổ lam thường xuất hiện ở những vùng có khí hậu và thổ nhưỡng mát như trên dãy Phanxipăng (sau này, nhóm của GS Kỳ còn phát hiện quần thể giảo cổ lam ở Hòa Bình và Cao Bằng).
  • Tiếp theo là nghiên cứu thành phần dược tính, hóa học nhằm thu thập dữ liệu đối chiếu với các công trình đã công bố của thế giới. Cuối cùng, họ nghiên cứu xem giảo cổ lam có độc không trước khi bào chế thành sản phẩm.

Phát hiện của GS Kỳ về cây giảo cổ lam không chỉ làm giàu thêm kho tàng dược liệu Việt Nam, tăng cơ hội chữa trị cho bệnh nhân mà còn tạo điều kiện cho nhiều người làm kinh tế.

Không giấu lòng biết ơn với GS Kỳ, ông Bùi Đắc Quang – xã Tu Lý, Đà Bắc, Hòa Bình – kể: “Khi tìm thấy mẫu cây giống giảo cổ lam ở Hòa Bình, tôi đi xe máy về Hà Nội đưa mẫu nhờ GS Kỳ thẩm định. Năm đó ông đã 70 tuổi nhưng vẫn quyết định cùng tôi lên Hòa Bình, đi bộ lần theo các dãy núi đá Ba Chi thuộc huyện Đà Bắc để khảo sát vùng có cây giảo cổ lam mọc và xác nhận đó đúng là giảo cổ lam. Ông cũng động viên tôi mạnh dạn lập công ty thu hái chế biến và kinh doanh chè thảo dược quý tại Đà Bắc, Hòa Bình”.

Giảo cổ lam là loại cây dây leo, khi thu hoạch, bà con thường kéo cả dây, làm bật gốc. GS Kỳ đã nhiều lần trực tiếp hướng dẫn họ chỉ hái lá, cắt thân thành 2-3 đoạn, để lại gốc. “Có như thế, năm sau mới có thể thu hoạch tiếp. Nếu ai khai thác cũng nhổ bật gốc lên thì rất dễ dẫn đến cạn kiệt nguồn nguyên liệu” – GS Kỳ giải thích, bởi câu chuyện phát triển ngành dược liệu Việt Nam là điều vẫn luôn canh cánh trong lòng nhà giáo già. “Khi đã phát triển thành hàng hóa thì vấn đề rất quan trọng là nguồn nguyên liệu phải sẵn có và lâu dài” – ông tâm sự.

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

0 Scroll
0988 324 018
0988324018